Yêu cầu về nội dung cơ bản của báo cáo tốt nghiệp

Admin Hr

Administrator
Quản trị viên
Bài viết
111
Lượt thích
25
Báo cáo tốt nghiệp gồm 03 phần: Mở đầu, Nội dung các chương và Kết luận. Gợi ý nội dung các phần như sau.
HHHHHH.png

MỞ ĐẦU
Phần này là cần thiết và bắt buộc. Mục đích của phần này là trình bày vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh nhất định. Phần mở đầu đóng vai trò quan trọng trong việc phác thảo khung sườn của đề tài, do vậy cần được viết một cách thận trọng, súc tích, rõ ràng. Phần mở đầu bao gồm các nội dung sau:
Lý do chọn đề tài
Trong mục này sinh viên phải chứng tỏ được lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu.
Một số lý do có thể gồm:
Tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của vấn đề nghiên cứu;
Vấn đề chưa được nghiên cứu hay nghiên cứu chưa sâu, còn những nội dung cần tiếp tục tìm hiểu, làm rõ;
Vấn đề nghiên cứu đang có tính thời sự cao, cần được giải quyết;
Vấn đề mà qua nghiên cứu sơ bộ cho thấy tại Đơn vị thực tập có nhiều tồn tại cần khắc phục;
Xuất phát từ yêu cầu của Đơn vị thực tập.
Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu: Sinh viên cần xác định rõ đích đến cuối cùng của việc nghiên cứu đề tài là gì? Mục tiêu nghiên cứu rõ ràng là tiền đề cho việc xây dựng một kết cấu nội dung tốt và đảm bảo cho sinh viên hướng nghiên cứu thành công. Mục tiêu nghiên cứu thường liên quan trực tiếp đến tên gọi của đề tài. Mỗi báo cáo có thể có một mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể riêng biệt.
Nhiệm vụ nghiên cứu: Sinh viên liệt kê những nhiệm vụ cụ thể phải giải quyết trong báo cáo phù hợp với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu đã được chỉ ra. Nói cách khác, để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu thì trong báo cáo cần phải làm những gì? và khi hoàn thành các nhiệm vụ chỉ ra thì mục tiêu sẽ được thực hiện.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là tổng thể những khía cạnh /nội dung có liên quan đến đề tài, được sinh viên lựa chọn phù hợp với ngành, hoàn cảnh nghiên cứu.
Ví dụ với đề tài về “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tạo động lực tại Công ty X” thì đối tượng nghiên cứu là các nhân tố ảnh hưởng đến tạo động lực, những giải pháp tạo động lực và thực trạng công tác tạo động lực của Công ty X.
Phạm vi nghiên cứu là giới hạn không gian, thời gian và nội dung mà báo cáo đề cập. Việc xác định rõ phạm vi nghiên cứu là để đảm bảo tính đầy đủ của nội dung báo cáo, tránh lan man làm mất tính tập trung vào những nhiệm vụ nghiên cứu.Khi viết mục này sinh viên cần làm rõ: (1) Phạm vi về không gian: là tên / địa điểm của Đơn vị thực tập; (2) Phạm vi về thời gian: là khoảng thời gian thu thập dữ liệu cũng như ứng dụng các kết quả nghiên cứu; và (3) Phạm vi về vấn đề nghiên cứu: chỉ rõ giới hạn của những nội dung nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu
Trong mục này sinh viên dự kiến các phương pháp sẽ được áp dụng để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra cho báo cáo. Các phương pháp lựa chọn có thể gồm: nghiên cứu định tính (dữ liệu thu thập chủ yếu ở dạng chữ, không đo lường bằng số lượng và qua nghiên cứu tài liệu, tình huống,…) và nghiên cứu định lượng (thu thập dữ liệu qua bảng câu hỏi có cấu trúc, phỏng vấn, quan sát bằng những công cụ khác).

HHHHHH.png

NỘI DUNG CHÍNH
Nội dung chính là các chương của một báo cáo có thể được kết cấu theo những dạng khác nhau tùy theo tính chất chuyên môn của đề tài cũng như phương pháp giải quyết đề tài mà sinh viên lựa chọn. Kết cấu của báo cáo do sinh viên đề xuất được chấp nhận nếu như vậy là phù hợp và tốt hơn cho việc giải quyết các nhiệm vụ đặt ra (03 chương, 04 chương hoặc 05 chương). Dưới đây là những định hướng cơ bản cho trường hợp báo cáo gồm 3 chương chính.
Chương 1
LÝ LUẬN < VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU>

Chương này tập trung trình bày cơ sở lý luận (lý thuyết, giả thuyết khoa học,...) được sử dụng trong đề tài và thường đề cập đến những vấn đề mang tính lý luận liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ của báo cáo như: khái niệm, vị trí, vai trò, nội dung, những nhân tố ảnh hưởng, giải pháp,... Nội dung có thể bao gồm:
Những vấn đề cơ bản về <vấn đề nghiên cứu>.
Những nội dung về lý luận liên quan đến việc đánh giá thực trạng của <vấn đề nghiên cứu>.
Những nội dung về lý luận liên quan đến việc đề xuất các giải pháp của <vấn đề nghiên cứu>.
Chương 2
THỰC TRẠNG <CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU>

Chương này tập trung phân tích, đánh giá thực trạng của vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân của những khía cạnh mà Đơn vị thực tập chưa làm hoặc chưa làm tốt, cần khắc phục. Nội dung có thể bao gồm:
Tổng quan về Đơn vị thực tập: Giới thiệu chung, quá trình thành lập và phát triển, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh (có ảnh hưởng đến vấn đề nghiên cứu), kết quả và định hướng phát triển sản xuất kinh doanh (nếu có).
Tổng quan về Tổ chức bộ máy chuyên trách công tác QTNL (đơn vị thực tập): Giới thiệu về tổ chức bộ máy chung trách (tên gọi, chức năng, công việc chuyên trách nhân sự, mối quan hệ công việc trong bộ máy chuyên trách); Tổ chức nhân sự trong bộ máy (thông tin năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách, bố trí nhân sự và phân công công việc cụ thể trong bộ máy chuyên trách).
Thực trạng về <vấn đề nghiên cứu>: Xác định và mô tả những nội dung của vấn đề nghiên cứu; phân tích, đánh giá thực trạng từng nội dung của vấn đề nghiên cứu thông qua dữ liệu thực tế thu thập được, so sánh đối chiếu với lý thuyết hoặc các mô hình chuẩn; tìm hiểu nguyên nhân của những khía cạnh mà Đơn vị thực tập chưa làm hoặc chưa làm tốt, cần khắc phục.


Chương 3
GIẢI PHÁP <ĐỂ THỰC HIỆN TỐT HƠN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU>
Chương này cần tập trung nghiên cứu 02 phần cơ bản:
Quan điểm, chủ trương, chính sách <vấn đề nghiên cứu> của đơn vị thực tập.
Đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn vấn đề nghiên cứu. Theo đó, những giải pháp đề xuất nếu được thực hiện sẽ khắc phục được những khía cạnh mà Đơn vị thực tập chưa làm hoặc chưa làm tốt. Mỗi giải pháp đề xuất được thể hiện thành một mục riêng và gồm các nội dung sau:
+ Mục tiêu của giải pháp.
+ Căn cứ đề xuất giải pháp.
+ Nội dung của giải pháp
+ Kinh phí và lộ trình thực hiện giải pháp (không bắt buộc đối với báo cáo tốt nghiệp).
+ Dự kiến lợi ích, hiệu quả mang lại khi thực giải pháp (không bắt buộc đối với báo cáo tốt nghiệp).

KẾT LUẬN
Mục đích của phần này là tóm tắt các nội dung nghiên cứu đã được trình bày trong phần nội dung chính và khẳng định lại kết quả nghiên cứu theo các nhiệm vụ đã xác định của báo cáo.
 

Thư Trang

New member
Bài viết
1
Lượt thích
0
Mọi người cho em hỏi, trong ngành Quản trị nhân lực thì đề tài báo cáo nào là khó nhất ạ?
 

Thành viên online

Những bài mới nhất

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
404,187
Bài viết
408,432
Thành viên
33,267
Thành viên mới nhất
lushi matre
Top